Lớp Chồi từ 49 đến 60 tháng

MỤC TIÊU GIÁO DỤC VÀ HƯỚNG DẪN

THỰC HIỆN CHẾ ĐỘ SINH HOẠT

LỚP CHỒI

I – PHÁT TRIỂN THỂ CHẤT

– Cân nặng và chiều cao nằm trong kênh A, cụ thể :

Trẻ trai: Cân nặng đạt 14,4 – 23,5 kg.

Chiều cao đạt 100,7 – 119,1 cm.

Trẻ gái:  Cân nặng đạt 13,8 – 23,2 kg.

Chiều cao đạt 99,5 – 117,2 cm

– Bò chui không bị chạm vào vật.

– Giữ được thăng bằng trên một chân trong 5 giây

– Chạy đổi hướng theo vật chuẩn.

– Ném xa 3m bằng hai tay.

– Bật xa 30 – 40 cm

– Cắt được theo đường thẳng.

– Rửa tay bằng xà phòng, tự lau mặt, đánh răng

– Cởi và mặt quần áo

– Phân biệt được một số vật dụng nguy hiểm, nơi an toàn và không an toàn.

II – PHÁT TRIỂN NHẬN THỨC

– Thích tìm hiểu khám phá đồ vật và hay đặt các câu hỏi: Tại sao? Để làm gì?…

– Nhận biết được một số đặc điểm giống nhau và khác nhau của bản thân với người gần gũi.

– Phân loại được các đối tượng theo 1 – 2 dấu hiệu cho trước.

– Nhận ra mối liên hệ đơn giản giữa sự vật, hiện tượng quen thuộc.

– Nhận biết được phía phải, phía trái của bản thân.

– Nhận biết các buổi sáng – trưa – chiều – tối.

– Đếm được trong phạm vi 10.

– Có biểu tượng về số trong phạm vi 5

– So sánh và sử dụng các từ: bằng nhau, to hơn – nhỏ hơn, cao hơn – thấp hơn, rộng hơn – hẹp hơn, nhiều hơn – ít hơn…

– Nhận biết được sự giống nhau giữa các hình tròn, hình vuông, hình tam giác, hình chữ nhật qua một vài dấu hiệu nổi bật.

– Nhận biết một số công cụ, sản phẩm, ý nghĩa của một số nghề phổ biến và gần gũi.

– Nói được địa chỉ, số điện thoại của gia đình

– Biết tên của một vài danh lam thắng cảnh của quê hương đất nước.

III – PHÁT TRIỂN NGÔN NGỮ

– Diễn đạt được mong muốn, nhu cầu bằng câu đơn, câu nghép

– Đọc thơ, kể lại chuyện diễn cảm.

– Kể lại được sự việc theo trình tự.

– Chú ý lắng nghe người khác nói.

IV – PHÁT TRIỂN TÌNH CẢM XÃ HỘI

– Chơi thân thiện với bạn.

– Thể hiện sự quan tâm đến người khác bằng lời nói, cử chỉ, hành động…

– Thực hiện công việc được giao đến cùng.

– Thực hiện một số quy định trong gia đình, trường, lớp mầm non, nơi công cộng.

– Giữ gìn, bảo vệ môi trường: bỏ rác đúng nơi quy định, chăm sóc con vật, cây cảnh: giữ gìn đồ dùng, đồ chơi.

V – PHÁT TRIỂN THẨM MĨ

– Trẻ bộc lộ cảm xúc phù hợp trước vẻ đẹp của các sự vật, hiện tượng xung quanh và các tác phẩm nghệ thuật.

– Thích nghe nhạc, nghe hát; chú ý lắng nghe, nhận ra giai điệu quen thuộc; hát đúng, hát diễn cảm bài hát mà trẻ yêu thích.

– Phân biệt âm sắc của một số dụng cụ âm nhạc quen thuộc và biết sử dụng để đệm theo nhịp bài hát, bản nhạc.

– Vận động phù hợp với nhịp điệu bài hát, bản nhạc (vỗ tay, dậm chân, nhún nhảy, múa…).

– Biết sử dụng các dụng cụ, vật liệu, phối hợp màu sắc, hình dạng, đường nét để tạo ra sản phẩm có nội dung và bố cục đơn giản.

– Biết thể hiện xen kẻ màu, hình trong trang trí đơn giản.

– Biết nhận xét và giữ gìn sản phẩm của mình, của bạn.

B – CHẾ ĐỘ SINH HOẠT

I – NGUYÊN TẮC THỰC HIỆN

Chế độ sinh hoạt là sự phân bổ hợp lí về thời gian và các hoạt động trong ngày ở trường mầm non, nhằm đáp ứng nhu cầu về tâm lý – sinh lý của trẻ, qua đó giúp trẻ hình thành thái độ sống, nề nếp, thói quen và những kỹ năng sống tích cực.

Tùy theo điều kiện thực tế địa phương, tùy theo mùa, giáo viên có thể điều chỉnh thời gian biểu cho phù hợp, nhưng khi thực hiện, cần đảm bảo các nguyên tắc sau:

Đảm bảo tính khoa học, hợp lí, vừa sức, phù hợp với nhịp điệu sinh học của trẻ theo từng lứa tuổi và cá nhân trẻ.

Nội dung hoạt động một ngày cần phong phú, đa dạng, gần gũi với cuộc sống thực của trẻ, đáp ứng mục tiêu phát triển của trẻ.

Phân phối thời gian thích hợp và có sự cân bằng giữa các hoạt động tĩnh và động, giữa hoạt động trong lớp và ngoài trời, giữa hoạt động chung cả lớp và hoạt động nhóm, cá nhân.

Đảm bảo trình tự hoạt động được lặp đi lặp lại, nhằm tạo nề nếp và hình thành những thói quen tốt cho trẻ.

Đảm bảo cho mọi trẻ được hoạt động tích cực và phù hợp với đặc điểm riêng của từng trẻ, tránh sự đồng loạt, gò bó, cứng nhắc.

Đảm bảo sự linh hoạt, mềm dẻo, nhằm đáp ứng các nhu cầu của trẻ đang trong thời kỳ lớn lên và phát triển, phù hợp với điều kiện từng vùng, miền , địa phương.

II –THỜI GIAN BIỂU

Thời gian

Thời lượng

Hoạt động trong ngày

6h45’ – 8h0075 phút“Đón trẻ – Ăn sáng, Trò chuyện – Thể dục sáng: theo Chủ đề:……….
8h00 – 8h30’30 phútHoạt động học
(theo chương trình Bộ GDĐT)
8h30’ – 9h20’50 phút – HĐ ngoài trời
 – HĐ góc
9h20’ – 10h10’50 phút – HĐ ngoại khóa
– Kỹ năng sống
10h10’ – 11h0050 phútĂn bữa chính (theo thực đơn hàng tuần)
11h00 – 14h00’180 phút – Vệ sinh; – Ngủ trưa
14h30’ – 15h00’60 phút – Ăn bữa phụ; – vệ sinh cá nhân
15h00’ – 15h30’30 phútHĐ học năng khiếu
15h30’ – 15h50’20 phútNêu gương trong lớp, cấm cờ….
15h50’ – 16h30’40 phútRèn luyện chữ
(01 buổi học, 01 buổi rèn chữ)
16h30’ – 17h0030 phútChơi tự do, giới thiệu bài học ngày hôm sau, trả trẻ (sau 16h 40 hướng dẫn toàn bộ trẻ xuống sảnh)

Lưu ý:

– Tùy theo điều kiện khí hậu và đặc điểm của từng vùng, miền, giáo viên xây dựng thời gian biểu cho phù hợp với điều kiện thực tế. Có thể xê dịch thời gian đón và trả trẻ, không nhất thiết phải đúng theo thời gian biểu có trong chương trình, nhưng khi đón trẻ tại thời điểm nào thì thực hiện hoạt động của thời gian biểu tại thời điểm đó để tránh xáo trộn nhịp điệu sinh học của trẻ.

– Trong quá trình thực hiện thời gian biểu, tùy theo điều kiện cụ thể của ngày hôm đó hoặc thời tiết mà giáo viên có thể sắp xếp lại các hoạt động học, chơi cho thích hợp, nhưng vẫn đủ thời gian cho mỗi hoạt động và đảm bảo cho trẻ ăn, ngủ đúng giờ. Đối với lớp mẫu giáo nhỡ, cụối năm học nếu tổ chức 6 lần học/tuần, thì đối với ngày có 2 lần học, cô chú ý sắp xếp, điều chỉnh, đảm bảo thời gian của cả 2 lần học/ngày không nên quá 45 phút.

– Chế độ sinh hoạt phải được áp dụng thường xuyên, đều đặn, nếu không thực hiện đúng những yêu cầu của chế độ sinh hoạt thì sẽ làm ảnh hưởng đến sức khỏe và việc giáo dục trẻ.

HƯỚNG DẪN THỰC HIỆN NUÔI DƯỠNG VÀ CHĂM SÓC SỨC KHỎE

A – TỔ CHỨC ĂN, NGỦ

I – TỔ CHỨC ĂN

1. Số lượng và chất lượng bữa ăn

a) Nhu cầu năng lượng

Nhu cầu năng lượng một ngày của trẻ ở độ tuổi này trung bình từ 1400 – 1600 Kcal, chia làm 4 – 5 bữa. Trong thời gian ở trường mầm non, trẻ cần được ăn tối thiểu một bữa chính và một bữa phụ. Nhu cầu về năng lượng cả ngày, khoảng 700 – 960 Kcal/trẻ/ngày.

Trong đó: bữa chính: 500 – 700 Kcal/trẻ, bữa phụ: 200 – 260 Kcal/trẻ.

b) Tỉ lệ giữa các chất sinh năng lượng

– Đối với trẻ bình thường;

+ Chất đạm (protit) cung cấp khoảng 12 – 15% năng lượng khẩu phần

+ Chất béo (Lipit) cung cấp khoảng 15 – 25% năng lượng khẩu phần

+ Chất bột (gluxit) cung cấp khoảng 60 – 73% năng lượng khẩu phần

Ví dụ:

+ Chất đạm (protit) cung cấp13% năng lượng khẩu phần

+ Chất béo (Lipit) cung cấp 25% năng lượng khẩu phần

+ Chất bột (gluxit) cung cấp 62% năng lượng khẩu phần

– Tỉ lệ giữa các chất sinh năng lượng nên đảm bảo đạt 1005 và trong phạm vi của từng chất.

– Đối với trẻ béo phì, năng lượng do chất béo và chất bột đường cung cấp nên duy trì ở mức độ tối thiểu (tức là chất béo cung cấp 15% và chất bột đường cung cấp 60% năng lượng khẩu phần), đồng thời tăng cường cho trẻ ăn nhiều các loại rau, củ, quả và tích cực vận động.

c) Lượng thưc phẩm

– Mỗi bữa chính, trẻ ăn 300 – 400g kể cả cơm và thức ăn(khoảng 2 bát) với đủ năng lượng và các chất dinh dưỡng cần thiết như đạm, béo, đường, muối khoáng và sinh tố. Các chất dinh dưỡng này có nhiều trong gạo, đậu, đỗ, thịt, cá, trứng, tôm, rau, đậu, lạc, vừng, dầu mỡ, các loại rau, củ, quả… và những loại thực phẩm khác, sẵn có tại địa phương.

– Lượng thưc phẩm cần cho một trẻ hằng ngày ở trường(một bữa chính và một phụ).

Thực phẩm bữachính Một suất cơm(g) Thực phẩm

bữa phụ Một suất(g)

Gạo 80 – 100 Gạo, mì sợi 40 – 60

Thịt, cá, trứng 25 – 40 Thịt hoặc cá 15 – 20

Đậu, lạc 10 – 20 Đậu hạt (khô)

Đưởng mật 20 – 30

Dầu, mỡ nước 10 – 15 Hoặc quả chín 100 – 150

Rau, củ, quả 35 – 60 Sữa đậu nành 100 – 150

2. Nước uống

– Hằng ngày, trẻ cần được uống nước đầy đủ, nhất là về mùa hè. Lượng nước cần đưa vào cơ thể trẻ ( dưới dạng nước uống, thức ăn, hoa quả ) từ 1,6 – 2 lít nước một ngày.

– Nước uống cần đun sôi kĩ và đựng trong bình hay ấm có nắp đậy kín. Mỗi trẻ có một cốc riêng. Mùa đông cần ủ nước uống cho ấm. Mùa hè, nếu có điều kiện, nên cho trẻ uống nước nấu bằng các loại lá như sài đất, rau ngô, bông mã đề, hoa  kim ngân…hoặc nước quả(dâu, cam, chanh).

– Giáo viên cho trẻ uống theo nhu cầu và chia làm nhiều lần trong ngày, hướng dẫn trẻ tự lấy cốc uống nước, uống xong úp cốc đúng nơi qui định. Không để trẻ quá khát mới uống hoặc uống một lần quá nhiều. Không nên cho trẻ uống nhiều nước trước bữa ăn.

3. Chăm sóc bữa ăn

a) Trước khi ăn

– Hướng dẫn trẻ rửa sạch tay, đeo yếm trước khi ăn (nếu có).

– Hướng dẫn trẻ sắp xếp bàn ghế, cho 4 – 6 trẻ ngồi một bàn, có lối đi quanh bàn dễ dàng.

– Chuẩn bị khăn mặt, bát, thìa, cốc uống nước đầy đủ cho số lượng trẻ.

– Trước khi chia thức ăn, cô cần rửa tay sạch, quần áo và đầu tóc gọn gàng. Cô chia thức ăn và cơm ra từng bát, trộn đều, không để trẻ chờ lâu.

b) Trong khi ăn

– Giáo viên cần vui vẻ, nói năng dịu dàng, tạo không khí thoải mái cho trẻ trong khi ăn. Động viên, khuyến khích trẻ ăn hết suất, kết hợp giáo dục dinh dưỡng, hành vi vệ sinh văn minh trong ăn uống: dạy cho trẻ biết mời cô và các bạn trước khi bắt đầu ăn; ngồi ăn ngay ngắn, không co chân lên ghế; cầm thìa bằng tay phải và tự xúc ăn một cách gọn gang, tránh đổ vãi; ăn từ tốn, nhai kĩ, không nói chuyện và đùa nghịch trong khi ăn…

– Giáo viên cần chăm sóc, quan tâm hơn với trẻ mới đến lớp, trẻ yếu hoặc mới ốm dạy. Nếu thấy trẻ ăn kém, cô cần tìm hiểu nguyên nhân để báo cho nhà bếp hoặc y tế hay bố mẹ biết để chủ động chăm sóc trẻ tốt hơn. Đối với trẻ xúc chưa thạo, ăn chậm hoặc biếng ăn, cô có thể giúp trẻ xúc và động viên trẻ ăn khẩn trương hơn. Có biện pháp phòng tránh hóc sặc trong khi trẻ ăn.

c) Sau khi ăn

Hướng dẫn trẻ xếp bát, thìa, ghế vào nơi quy định, uống nước, lau miệng, lau tay sau khi ăn, đi vệ sinh(nếu trẻ có nhu cầu).

II – CHĂM SÓC GIẤC NGỦ

1. Chuẩn bị trước khi trẻ ngủ

– Trước khi trẻ ngủ, cô nhắc nhở trẻ đi vệ sinh, hướng dẫn trẻ tự lấy gối , chăn…

– Bố trí chỗ ngủ cho trẻ sạch sẽ, yên tĩnh, thoáng mát về mùa hè, ấm áp về mùa đông. Phòng ngủ nên giảm ánh sáng bằng cách đóng bớt một số cửa sổ hoặc tắc bớt đèn.

–  Khi đã ổn định chỗ ngủ, cô có thể hát hoặc cho trẻ nghe những bài hát ru, dân ca êm dịu để trẻ dễ đi vào giấc ngủ. Với những cháu khó ngủ, cô gần gũi, vỗ về trẻ giúp trẻ yên tâm, dễ ngủ hơn.

2. Theo dõi trẻ ngủ

– Trong thời gian trẻ ngủ, cô phải thường xuyên có mặt để theo dõi trẻ, không để trẻ úp mặt vào gối hoặc trùm chăn kín, sửa lại tư thế để trẻ ngủ thoải mái(nếu thấy cần thiết).

– Khi trẻ ngủ: về mùa hè, nếu dùng quạt điện chú ý vận tốc vừa phải và để xa, từ phía chân trẻ; nếu dùng điều hòa nhiệt độ không nên để nhiệt độ lạnh quá. Mùa đông chú ý đắp chăn ấm cho trẻ, không nên để trẻ mặc quá nhiều quần áo. Cho phép trẻ đi vệ sinh nếu trẻ có nhu cầu.

– Quan sát, phát hiện kịp thời và xử lý  các tình huống có thể xảy ra trong khi trẻ ngủ.

3. Chăm sóc sau khi trẻ thức dậy

– Không nên đánh thức trẻ dậy đồng loạt, trẻ nào thức giấc trước cô cho dậy trước, tránh đánh thức cùng một lúc ảnh hưởng đến các trẻ khác và sinh hoạt của lớp. Không nên đánh thức trẻ dậy sớm trước khi trẻ tự thức giấc vì dễ làm cho trẻ cáu kỉnh, mệt mỏi.

– Sau khi trẻ dậy hết, cô hướng dẫn trẻ tự làm các công việc vừa sức với trẻ như: cất gối, chiếu. Có thể chuyển dần từ trạng thái ngủ sang hoạt động khác bằng cách cho trẻ hát một bài hát hoặc âu yếm nói chuyện với trẻ, hỏi chúng mơ thấy gì. Cô bật đèn, mở cửa sổ từ từ. Cô nhắc nhở trẻ đi vệ sinh, sau khi trẻ tỉnh táo cho trẻ ăn quà chiều.

 B – VỆ SINH

I – VỆ SINH CÁ NHÂN

1. Vệ sinh cá nhân trẻ

a) Chuẩn bị đầy đủ các đồ dùng vệ sinh cá nhân

* Khi trẻ rửa tay, rửa mặt

– Chuẩn bị đầy đủ dụng cụ cho trẻ rửa tay: Thùng có vòi hoặc vòi nước vừa tầm tay trẻ(nếu đựng nước vào xô hay chậu thì phải có gáo giội), xà phòng rửa tay, khăn khô, sạch để lau tay, xô hay chậu để hứng nước bẩn(nếu cần).

– Chuẩn bị đầy đủ khăn mặt đảm bảo vệ sinh(một khăn mặt/trẻ), đủ bô, xô, chậu.

– Chuẩn bị đấy đủ quần áo dự trữ để thay cho trẻ khi cần thiết, nhất là về mùa đông.

* Khi trẻ đi vệ sinh

– Chuẩn bị giấy vệ sinh cho trẻ dùng, giấy vệ sinh đảm bảo mềm, sạch sẽ phù hợp với trẻ

– Lau, rửa cho trẻ sạch sẽ sau khi đi vệ sinh.

– Đảm bảo nhà vệ sinh luôn sạch sẽ, không hôi khai, không ứ động nước bẩn sau khi trẻ đi tiểu tiện cũng như đại tiện.

b) Giám sát và hướng dẫn trẻ thực hiện vệ sinh cá nhân

* Vệ sinh da

– Vệ sinh bàn tay

+ Thường xuyên giám sát và hướng dẫn trẻ, cho trẻ tự rửa tay và tự lau tay khô theo đúng trình tự, đảm bảo vệ sinh, không cắn xén các thao tác.

+ Cô cần chú ý sắp xếp đồ dùng vệ sinh vừa tầm với của trẻ, thuận tiện cho trẻ khi sử dụng, không để trẻ phải chờ đợi lâu và tránh được tình trạngtrẻ bỏ qua các thao tác. Chỗ đứng cho trẻ rửa tay phải có một không gian nhất định, đủ ánh sáng và không ẩm ướt.

+ Trường hợp trẻ mới chuyển lớp, trẻ mới vào lớp, cô hướng dẫn tỉ mỉ từng thao tác rửa tay cho trẻ và cho trẻ làm quen dần với việc tự phục vụ dưới sự giúp đỡ của cô.

* Vệ sinh răng miệng

– Cô thường xuyên nhắc nhở trẻ uống nước và súc miệng sau khi ăn.

– Hướng dẫn trẻ cách chải răng và kết hợp với gia đình để dạy trẻ tập đánh răng ở nhà. Tuyên truyền cho phụ huynh không nên cho trẻ ăn quà vặt nhất là kẹo, bánh ngọt.

– Khám răng định kỳ để phát hiện sớm răng sâu và chữa trị kịp thời. tập cho trẻ có thói quen ngậm miệng khi ngủ, thở bằng mũi để miệng và răng không bị khô, hạn chế sâu răng.

* Vệ sinh quần áo, giày dép

– Không để trẻ mặc quần áo ẩm ướt. Khi trẻ bị nôn, đại, tiểu tiện ra quần áo hoặc khi mồ hôi ra nhiều, cô cần thay ngay cho trẻ. Cởi bớt quần áo cho trẻ khi trời nóng, mặc thêm khi trời lạnh.

– Đẻ chống nhiễm lạnh đôi chân của trẻ, ngoài đôi dép hay giày trẻ đi đến lớp, cần có thêm một đôi dép sạch cho trẻ đi trong lớp.

– Cô nhắc cha mẹ của trẻ đưa đủ tất, quần áo dự trữ để thay cho trẻ khi cần thiết. Nên cho trẻ mặc quần áo bằng những loại vải mềm, thấm mồ hôi. Nên dùng loại giày dép hơi rộng so với chân của trẻ một chút, dép mềm, mỏmg nhẹ, dễ cởi, có quai sau cho trẻ dễ đi.

* Hướng dẫn trẻ đi vệ sinh

Hướng dẫn trẻ đi vệ sinh đúng nơi quy định. Dạy trẻ cách giữ vệ sinh cho bản thân, giữ gìn nhà vệ sinh sạch sẽ. Nhắc trẻ rửa tay sau khi đi vệ sinh.

2. Vệ sinh cá nhân cô

Cô giáo phải là tấm gương về giữ vệ sinh và chăm sóc bảo vệ sức khỏe cho bản thân và những người xung quanh để trẻ học tập và làm theo, không làm lây lan bệnh tật sang trẻ và cộng đồng.

a) Vệ sinh thân thể

– Giữ gìn da sạch sẽ, nhất là hai bàn tay. Khi chăm sóc trẻ, hai bàn tay cô phải luôn sạch sẽ. Cô phải rửa tay bằng xà phòng và nước sạch trước khi cho trẻ ăn hoặc tiếp xúc với thức ăn, sau khi đi vệ sinh cho trẻ, sau khi quét rác hay lau nhà.

– Đầu tóc gọn gàng, sạch sẽ. Không để móng tay dài khi chăm sóc trẻ.

– Luôn giữ vệ sinh răng miệng sạch sẽ.

– Đeo khẩu trang khi chia cơm cho trẻ, khi ho, sỗ mũi, viêm họng.

b) Vệ sinh quần, đồ dùng cá nhân

– Quần áo phải luôn gọn gàng, sạch sẽ. nếu có quần áo công tác, phải thường xuyên mặc trong quá trình chăm sóc trẻ. Không mặc trang phục công tác về gia đình hoặc ra khỏi trường.

– Đồ dùng cá nhân của trẻ và cô phải riêng biệt, không sử dụng đồ dùng cá nhân của trẻ.

c) Khám sức khỏe định kỳ

Nhà trường cần khám sức khỏe định kỳ và tiêm phòng dịch đầy đủ cho các giáo viên, cán bộ nhân viên. Nếu cô mắc bệnh truyền nhiểm hoặc nhiễm trùng cấp tính thì không được trực tiếp chăm sóc trẻ.

C- THEO DÕI SỨC KHỎE VÀ PHÒNG BỆNH

I – KHÁM SỨC KHỎE ĐỊNH KỲ

Mục đích khám sức khỏe định kỳ là để phát hiện sớm tình trạng sức khỏe và bệnh tật để chữa trị kịp thời.

– Hằng năm, nhà trường cần liên hệ chặt chẽ với y tế địa phương(trạm y tế phường, xã) để có kế hoạch khám sức khỏe định kỳ cho trẻ mỗi năm hai lần(đầu năm học và cuối năm học).

– Giáo viên có nhiệm vụ phối hợp với nhà trường tổ chức khám định kỳ cho trẻ. Lưu kết quả khám và thông báo cho gia đình kết quả kiểm tra sức khỏe của trẻ.

II – THEO DÕI THỂ LỰC VÀ TÌNH TRẠNG DINH DƯỠNG

1. Chỉ số thể lực dùng để theo dõi trẻ

– Cân nặng (kg) theo tháng tuổi

– Chiều cao đứng (cm) theo tháng tuổi

– Cân nặng theo chiều cao đứng.

2. Yêu cầu

Tiến hành cân trẻ 3 tháng một lần và đo trẻ 6 tháng một lần.

– Đối với trẻ bị suy dinh dưỡng, trẻ thừa cân – béo phì nên cân và theo dõi hàng tháng. Nếu trẻ vừa trãi qua một đợt ốm, sức khỏe giảm sút, cần được kiểm tra cân nặng để đánh giá sự phồi hục sức khỏe của trẻ.

– Có thể cân trẻ bằng bất kỳ loại cân nào nhà trường có nhưng phải thống nhất dùng một loại cân cho các lần cân.

– Đo chiều cao đứng của trẻ bằng thước đo chiều cao (hoặc có thể dùng thước dây đóng vào tường). Khi đo, chú ý để trẻ đứng thẳng và 3 điểm đầu, mông, gót chân trên một đường thẳng. Chiều cao của trẻ được tính từ điểm tiếp xúc gót chân với mặt sàn đến đỉnh đầu ( Điểm cao nhất của đầu trẻ ).

– Quy định một số ngày thống nhất cho các lần cân, đo.

– Sau mỗi lần cân, đo, cần chấm ngay lên biểu đồ để tránh quên và nhầm lẫn, sau đó đánh giá tình trạng dinh dưỡng cho từng trẻ và thông báo cho gia đình.

– Mùa đông tiến hành cân, đo trong phòng, tránh gió lùa, bỏ bớt quần áo để cân, đo chính xác.

3. Cách đánh giá kết quả thể lực và tình trạng dinh dưỡng

a) Cân nặng theo tháng tuổi (được theo dõi bằng biểu đồ tăng trưởng)

Sau mỗi lần cân, chấm biểu đồ mỗt điểm tương ứng với số cân và số tháng tuổi của trẻ, nối các điểm chấm đó với nhau, ta sẽ được đường biểu diễn về sự phát triển của trẻ.

Ý nghĩa của các đường biểu diễn về sự phát triển của trẻ

– Khi đường biểu diễn nằm ở kênh A

+ Có hướng đi lên là phát triển bình thường

+ Nằm ngang là đe dọa

+ Đi xuống là nguy hiểm.

Trong trường hợp đường biểu diễn nằm ngang hoặc đi xuống, cần tìm nguyên nhân và phối hợp với gia đình để có biện pháp can thiệp sớm, kịp thời chăm sóc, phòng chống suy dinh dưỡng.

– Khi đường biểu diễn nằm ở kênh B (SDD độ I) : suy dinh dưỡng vừa.

– Khi đường biểu diễn nằm ở kênh C (SDD độ II) : suy dinh dưỡng nặng

– Khi đường biểu diễn nằm ở kênh D (SDD độ III) : suy dinh dưỡng rất nặng.

Lưu ý:

– Trong trường hợp trẻ nằm ở kênh B, C và D cần phối hợp với gia đình chặt chẽ và cò biện pháp chăm sóc đặt biệt để nâng cao thể lực sức khỏe của trẻ.

– Khi cân nặng của trẻ nằm trên kênh A và tốc độ tăng cân hằng tháng nhanh, cần theo dõi và có chế ăn uống hợp lý kết hợp với vận động phù hợp để tránh thừa cân – béo phì.

b) Chiều cao theo tháng tuổi ( được theo dõi bằng biểu đồ chiều cao hoặc đánh giá theo bảng chiều cao)

– Chiều cao nằm trong khoảng trung bình trở lên là phát triển bình thường. Chiểu cao phản ánh trung thành tình trạng dinh dưỡng trong cả quá trình phát triển của trẻ, chiều cao dù có tăng chậm nhưng không bao giờ đứng hoặc giảm đi như cân nặng.

– Chiều cao nằm trong khoảng trung bình trở xuống phản ánh sự thiếu dinh dưỡng trong một thời gian dài hay tình trạng suy dinh dưỡng trường diễn (thể thấp còi).

– Theo điều kiện khí hậu và đặc điểm của từng vùng miền để xây dựng thời gian biểu cho phù hợp với điều kiện thực tế, có thể xê dịch thời gian đón và trả trẻ, không nhất thiết phải đúng như thời gian biểu trong chương trình. Nhưng khi đón trẻ tại thời điểm nào thì thực hịện theo hoạt động của của thời gian biểu tại thời điểm đó để tránh xáo trộn nhịp điệu sinh học của trẻ.

– Trong quá trình thực hiện thời gian biểu, tùy theo điều kiện cụ thể của ngày hôm đó hoặc thời tiết mà giáo viên có thể sắp xếp lại các hoạt động học, chơi cho thích hợp nhưng vẫn đủ thời gian cho mỗi hoạt động và đảm bảo cho trẻ, ăn, ngủ đúng giờ.

– Chế độ sinh hoạt phải được áp dụng thường xuyên, đều đặn, nếu không thực hiện đúng những yêu cầu của chế độ sinh hoạt thì sẽ làm ảnh hưởng đến sức khỏe và việc giáo dục trẻ.

III –THỰC HIỆN CHẾ ĐỘ SINH HOẠT 

 1- Đón trẻ

a) Đón trẻ

Khi đón trẻ, cô phải nhẹ nhàng, dỗ dành và cho trẻ chơi đồ chơi mà trẻ thích. Đối với những cháu mới đi mẫu giáo, một vài ngày đầu cô nên gần gũi, tiếp xúc, làm quen với trẻ khi có cả cha mẹ trẻ, sau đó đón, dẫn trẻ vào lớp. Trường hợp cá biệt trẻ khó xa rời bố mẹ hãy cho trẻ mang một vật gì đó mà trẻ thích nhất ở nhà đến lớp. Đến khi trẻ đã quen với sinh hoạt của lớp, cô cho trẻ tự lấy đồ chơi theo ý thích.

Trong giờ đón trẻ, cô giáo có thể trao đổi nhanh với phụ huynh về một số điều cần thiết để tiếp tục theo dõi, chăm sóc khi trẻ ở trường.

Cô cho trẻ chơi tự do tại các góc hoặc cùng trẻ trò chuyện ( cá nhân hoặc nhóm). Nội dung trò chuyện là những điều liên quan đến chủ đề đang tiến hành, về bản thân trẻ và những sự kiện xảy ra hằng ngày xung quanh trẻ ( thời tiết, những gì trẻ hứng thú…). Khi trò chuyện, cô giáo có thể gợi mở , nêu tình huống để trẻ trả lời, giúp trẻ rèn luyện và phát triển kĩ năng ứng xử, giao tiếp.

b) Thể dục sáng

Thể dục sáng có thể cho trẻ tập trong nhà hoặc cho trẻ tập ngoài sân tùy thuộc vào điều kiện cụ thẻ của phòng lớp và thời tiết. Nên cho trẻ tập theo nhạc là tốt nhất. Nếu trường có sân rộng thì có thể bố trí cho toàn trường tập cùng một thời điểm, tạo điều kịện cho trẻ tiếp xúc với nắng, không khí trong lành.

c) Điểm danh 

Cần thực hiện dưới nhiều hình thức , nhằm làm cho trẻ biết tên và quan tâm đến nhau. Có thể cô lần lượt gọi tên từng trẻ. Hoặc cô làm cho mỗi trẻ một thẻ tên – kí hiệu. Khi đến lớp trẻ tự cầm gắn lên bảng thành dãy theo tổ, theo chữ cái đầu của tên. Sau đó, trẻ đếm tên – kí hiệu, phát hiện trẻ vắng mặt hoặc cũng có thể cho trẻ trong tổ quan sát, phát hiện bạn vắng mặt.

2- Hoạt động học có chủ định

Hoạt động học của trẻ trong chế độ sinh hoạt hằng ngày được tổ chức một cách có chủ định , dưới sự định hướng và hướng dẫn trực tiếp của giáo viên. Nội dung hoạt động được tiến hành có hệ thống, theo mục đích, kế hoạch đã được hoạch định trong kế hoạch tuần phù hợp với các lĩnh vực nội dung giáo dục trong chương trình

a) Thời gian tiến hành

Trong thời gian biểu, thời gian tiến hành hoạt động học có thể kéo dài trong khoảng thời gian từ 20 – 25 phút vào các buổi sáng trong ngày, sau khi đón trẻ. Thời gian đầu năm học, hoạt động không nên kéo dài quá 20 phút.

b) Nội dung thực hiện

Nội dung học có chủ định được tiến hành với những nội dung thuộc các hoạt động phát triển vận động và giáo dục dinh dưỡng sức khỏe; khám phá khoa học về thế giới tự nhiên, xã hội gần gũi và làm quen với toán : nghe kể chuyện, đọc thơ, kể chuyện sáng tạo, làm quen với đọc, viết: hoạt động tạo hình ( vẽ, nặn, cắt, dán, xếp hình) ; âm nhạc ( hát, vận động theo nhạc, nghe hát, nhạc). Các hoạt động trên thường có nội dung phù hợp với các lĩnh vực giáo dục trong chương trình theo hướng tích hợp và gắn với chủ đề.

Giáo viên cần lựa chọn, lên kế hoạch sao cho trẻ lớp bé có 5 lần học trong tuần và thích hợp nhất là các buổi sáng. Mỗi ngày trong tuần, trẻ được học với 1 nội dung họat động trên là nội dung trọng tâm và tích hợp với 1 hoặc 2 nội dung khác mang tính chất củng cố, bổ trợ phù hợp với nội dung trọng tâm đó.

Với lớp đông trẻ và có hai giáo viên, tùy theo điều kiện, hoàn cảnh cụ thể, cô có thể tách nhỏ thành hai nhóm để dạy cùng một lúc hoặc tổ chức cho một nhóm trẻ học trong lớp, một nhóm chơi và hoạt động ở ngoài trời sau đó đổi lại.Lưu ý : Nếu có tách thành các nhóm để dạy, giáo viên cần phải đảm bảo việc tổ chức cũng như các điều kiện thực hiện, phương pháp tiến hành hoạt động ở các nhóm là tương đương.

3- Chơi, hoạt động ở các góc

Tùy theo thời điểm và các mùa ở địa phương, thời gian tổ chức cho trẻ tham gia vào các trò chơi, nhóm chơi, hoạt động ở các khu vực ( góc) hoạt động thường có thể tiến hành sau hoạt động học của trẻ hoặc sau thời điểm chơi và hoạt động ở ngoài trời.

a) Thời gian tiến hành

  Thời gian tiến hành từ 30 – 40 phút.

Trong thời gian này, việc tổ chức trò chơi đóng vai, trò chơi lắp ghép xây dựng là một trong những trò chơi trung tâm. Đồng thời, cô tạo điều kiện , khuyến khích trẻ tham gia vào các nhóm chơi, hoạt động mang tính sáng tạo như vẽ, nặn, cắt dán, hát, múa, chơi ở góc tạo hình , góc âm nhạc và các hoạt động khác… Nội dung chơi được tổ chức phù hợp với độ tuổi và thường gắn với chủ đề. Thời gian tiến hành kéo dài không quá 40 phút, phụ thuộc vào hứng thú của các trẻ trong các nhóm chơi.

b) Nội dung thực hiện

Hằng ngày, cô chuẩn bị môi trường, sắp xếp các góc chơi, tổ chức, hướng dẫn, gợi mở tạo điều kiện để cho mọi trẻ được tự do lựa chọn các nhóm chơi, tham gia vào các trò chơi, hoạt động tự nguyện, theo ý thích.

Hằng ngày, khi tổ chức hướng dẫn các trò chơi, cô nên có những gợi ý, khuyến khích các trẻ được luân phiên tham gia vào các nhóm chơi và các hoạt động khác, không nên để trẻ chơi hoặc hoạt động ở một nhóm nào đó quá lâu trong một tuần.

Kết thúc thời gian chơi và hoạt động ở các góc, cô cần hướng dẫn trẻ trong các nhóm chơi, cùng cô tự cất đồ chơi, sắp xếp đồ dùng, đồ chơi gọn gàng, ngăn nắp đúng quy định để chuẩn bị sang hoạt động khác. Với thời tiết nắng nóng, cô có thể tổ chức, tiến hành thời điểm này sau thời điểm chơi và hoạt động ngoài trời.

4- Chơi, hoạt động ngoài trời

Ở thời điểm này, giáo viên tổ chức cho trẻ chơi và tham gia vào các hoạt động ngoài phạm vi của lớp học với mục đích : Tạo điều kiện cho trẻ được tiếp xúc với không khí trong lành của thiên nhiên, rèn luyện sức khỏe, thiết lập mối quan hệ giữa trẻ với môi trường xung quanh, góp phần mở rộng vốn hiểu biết của trẻ về môi trường tự nhiên – xã hội; thỏa mãn nhu cầu chơi và hoạt động theo ý thích của trẻ.

a) Thời gian tiến hành: Thời gian tiến hành vào các buổi sáng không quá 40 phút.

b) Nội dung thực hiện: Tùy thuộc vào nội dung của chủ đề trong tuần, điều kiện của trưởng lớp, hoạt động ngoài trời có thể được tiến hành với một số nội dung, hình thức hoạt đông sau :

– Chơi tự do với các thiết bị, đồ chơi ngoài trời; làm đồ chơi và chơi với các vật liệu thiên nhiên như : cây, quả, hoa, lá, cát, sỏi, nước.

– Chơi với các trò chơi vận động dân gian mà trẻ yêu thích nhằm tăng cường khả năng vận động cơ thể như : chạy, nhảy, leo trèo, nắm bắt.

– Quan sát một số sụ thay đổi của các hiện tượng thiên nhiên, âm thanh, thời tiết, cây cối, hoa lá, hoạt động của con người, con vật.

– Tham gia vào các hoạt động chăm sóc ở góc thiên nhiên : tưới cây, lau lá, nhặt lá, chăm sóc và cho các con vật yêu thích ăn.

– Dạo chơi trong sân trường, thăm các khu vực trong trường ( thăm nhà bếp. phòng y tế , và các nhóm lớp khác…) hoặc tham quan ngoài khu vực trường như : công viên, sở thú, cánh đồng, cửa hàng, siêu thị, trường tiểu học, doanh trại bộ đội, xí nghiệp, nhà máy… thuộc cộng đồng dân cư gần truờng.

Khi thực hiện kế hoạch tuần và tổ chức tiến hành cho trẻ chơi và hoạt động ngoài trời, cô nên lưu ý :

Không nên triển khai cùng một lúc với tất cả những nội dung trên. Cô nên lựa chọn, phối hợp các nội dung phù hợp với việc triển khai chủ đề trong tuần và thích hợp với trẻ. Tùy theo tình huống, điều kiện cụ thể của trường lớp, mỗi ngày, cô nên lựa chọn và tổ chức cho trẻ thực hiện từ 2 đến 3 nội dung.

Cô có thể cho trẻ tham gia khoảng 5-7 phút trò chơi vận động, trò chơi dân gian mang tính tập thể mà trẻ thích, sau đó có thể cho trẻ chơi nhặt lá, làm đồ chơi bằng vật liệu thiên nhiên, chăm sóc cây cối, con vật yêu thích ở góc thiên nhiên. Trẻ có thể đem một số đồ chơi mà trẻ thích ở trong lớp ra để chơi như : búp bê, các khối gỗ, ô tô… hoặc có thể cho trẻ chơi theo ý thích với đồ chơi thiết bị ngoài trời, chơi với cát, nước… ngồi dưới bóng râm nghe kể chuyện, cùng hát với nhau bài hát nào đó… hoặc đi dạo, tham quan xung quanh trường.

Khi tổ chức thực hiên những nội dung trên, cô giáo cần tổ chức phối hợp hợp lí nội dụng hoạt động có tính động ( chạy, nhảy, leo, trèo ) với những nội dung mang tính chất tĩnh, như ngồi nghe kể chuyện, hát, đọc thơ, xem tranh truyện; làm đồ chơi bằng vật liệu thiên nhiên. Cô không nên tổ chức quá nhiều hoạt động, hoặc cho trẻ tham gia vào một hoạt động nào đó quá lâu khiến trẻ nhàm chán và làm trẻ mệt.

* Một số lưu ý khi tiến hành :

– Trước khi đi ra ngoài trời, cô quan tâm nhắc nhở trẻ tự phục vụ : mặc quần áo đi giày dép phù hợp với thời tiết và chỉ hướng dẫn, giúp trẻ khi cần thiết. Cô chú ý tới thể trạng của trẻ để gợi ý, khuyến khích trẻ tham gia vào những nội dung phù hợp.

– Cô nên giới thiệu và nói rõ khu vực chơi của lớp. Tập cho trẻ làm quen với hiệu lệnh, khi cần tập trung trẻ lại một chỗ hoặc chuẩn bị vào lớp.

– Trong quá trình chơi, cô luôn quan sát, bao quát trẻ với tất cả nhóm chơi trong sân trường, nhắc nhở trẻ không được chơi quá khu vực quy định của lớp…

– Khi trẻ chơi với vật liệu thiên nhiên, giáo viên cần chú ý bao quát, nhắc nhở trẻ không nên dụi tay bẩn lên mặt, mắt, nghịch bẩn quần áo của mình và của bạn. Khi cho trẻ chơi với cát, nước đặc biệt với những thiết bị ngoài trời, cô cần chú ý quan sát giải quyết những xung đột của trẻ và xử lí nhanh nhạy, kịp thời với những tình huống xảy ra trong quá trình chơi, đảm bảo an toàn cho trẻ.

– Những hôm cho trẻ đi ra xa ngoài khu vực sân trường ( đi chơi, tham quan vườn hoa , công viên, cửa hàng mua bán, lăng Bác…), cô nên chuẩn bị chu đáo, lên kế hoạch cụ thể và liên hệ từ trước.

– Những hôm thời tiết mưa, quá lạnh không thể tổ chức cho trẻ chơi và tham gia vào các hoạt động ngoài trời, cô có thể cho trẻ chơi trò chơi vận động trong lớp và chơi trò chơi học tập , quan sát hiện tượng thay đổi của thời tiết. Cô có thể tổ chức cho trẻ tham gia vào các hoạt động : đọc sách, kể chuyên, xem truyện tranh, làm sách truyện tranh… ở hiên của lớp hoặc chơi theo ý thích ở các khu vực hoạt động trong lớp. Cô nên lưu ý nhắc nhở, hướng dẫn trẻ biết cách tự mặc thêm áo hoặc cởi bớt khi thời tiết thay đổi.

– Đối với trẻ sức khỏe yếu, cô nên quan tâm khuyến khích trẻ tham gia vào các hoạt động, trò chơi phù hợp với sức khỏe và khả năng của trẻ.

– Kết thúc hoạt động, cô nên tập trung trẻ lại hướng dẫn trẻ vào lớp tự cất giày dép đúng nơi quy định, tự rửa tay, lau mặt nghỉ ngơi một vài phút và chuẩn bị cho hoạt động tiếp theo.

– Với những hôm thời tiết nắng nóng, cô có thể tiến hành thời điểm này trước thời điểm chơi và hoạt động ở các góc.

5- Vệ sinh, ăn trưa

Giờ ăn tiến hành trong khoảng 60 phút. Cô cần sắp xếp công việc một cách hợp lí từ khâu chuẩn bị ăn cho đến khâu vệ sinh sau khi ăn, nhất là trong trường hợp chỉ có một giáo viên đứng lớp.

Hướng dẫn và tạo cho trẻ thói quen vệ sinh sạch sẽ trước khi ăn. Trường hợp lớp có hai cô thì phân công một cô giám sát trẻ lau mặt, rửa tay sạch sẽ trước khi ăn và cô còn lại kết hợp với một số trẻ trực nhật bữa ăn. Trường hợp lớp có một cô thì cô vừa làm vừa bao quát chung cả lớp, nên phân công một trẻ trong lớp giám sát các trẻ khác rửa tay, lau mặt và phân công một số trẻ cùng cô trực nhật bữa ăn.

Sau khi trẻ ăn xong, cho trẻ cùng cô dọn dẹp chỗ ngồi ăn và nhắc nhở trẻ vệ sinh sạch sẽ, không cho trẻ chạy, nhảy nhiều sau khi ăn.

Trả trẻ

– Trước khi chuẩn bị cho trẻ ra về, cô có thể cùng trò chuyện với trẻ, cho trẻ tự nhận xét, khuyến khích trẻ nêu các gương tốt trong ngày, tạo cho trẻ tâm trạng hào hứng, vui vẻ, có những ấn tượng tốt với lớp, với cô, với bạn để hôm sau trẻ lại thích đến trường. Tuy nhiên thời gian không nên kéo dài quá 10 phút.

– Hướng dẫn trẻ làm vệ sinh cá nhân: lau mặt, rửa tay, sửa sang quần áo, đầu tóc cho gọn gang, sạch sẽ. Trong thời gian chờ đợi bố mẹ đến đón, cô nên cho trẻ chơi tự do với một số đồ chơi dễ cất hoặc cho trẻ cùng nhau xem truyện tranh…Tùy theo điều kiện, cô có thể cho trẻ chơi với đồ chơi thiết bị ngoài trời, không nên để trẻ ngồi một chỗ chờ bố mẹ đến đón.

– Khi bố mẹ đến đón, cô hướng dẫn trẻ tự cất đồ chơi đúng nơi quy định, chào bố mẹ, chào cô giáo, chào các bạn trước khi ra về. Cô nên giành thời gian trao đổi với ba mẹ, gia đình một số thông tin cần thiết trong ngày về cá nhân trẻ, cũng như một số hoạt động của lớp cần có sự phối hợp với gia đình

– Chú ý kiểm tra điện, nước, đóng cửa cẩn thận trước khi ra về