Học mà chơi, Chơi mà học

PHƯƠNG PHÁP GIÁO DỤC

 HỌC MÀ CHƠI, CHƠI MÀ HỌC

   Mọi đứa trẻ đều thích được vui chơi. Chúng ta phải nỗ lực rất nhiều để làm, để học. Còn khi chơi, không có nỗ lực nào được cần. Khi chơi, đứa trẻ hoàn toàn thư giãn. Trong trạng thái hoàn toàn thư giãn và thả lỏng, trẻ con trở thành miếng bọt biển tiếp nhận tất cả những kiến thức, kinh nghiệm mà cuộc đời đem đến. Chính vì vậy, giáo dục thông qua trò chơi trở thành một phương pháp hữu ích. Mọi đứa trẻ đều mê chơi đùa. Còn người lớn thì mê việc giáo dục con trẻ một cách hiệu quả.

   Vui chơi là hoạt động chủ đạo của lứa tuổi mẫu giáo. Các đặc điểm tâm lý mới, các nét tính cách mới của trẻ được hình thành chủ yếu do hoạt động chủ đạo này. Vì vậy, khi muốn chuyển tải kiến thức cho trẻ, trò chơi là một phương tiện giáo dục mạnh mẽ nhất. Trong các loại trò chơi, trò chơi phân vai theo chủ đề có vị trí đặc biệt quan trọng. Thông qua chủ đề mà giáo viên có tác động vào nhiều khía cạnh của trẻ. Và việc khai thác tác dụng giáo dục của trò chơi phân vai đòi hỏi phải công phu, sự chuẩn bị, suy nghĩ chu đáo của giáo viên.

   Trong khi việc mua đồ chơi hoặc trò chơi cho trẻ là quan trọng, không gì tốt hơn việc chính chúng ta chơi với trẻ. Việc vui chơi cho phép trẻ hiểu được tương tác xã hội là thế nào, để tìm ra cách giải quyết vấn đề, để tưởng tượng, để khám phá và tìm ra những gì là an toàn và những gì thì không.

   Để trẻ học được qua các hoạt động vui chơi, hay để việc vui chơi có ý nghĩa, giáo viên đóng một vai trò quan trọng trong việc hỗ trợ và giúp đỡ trẻ. Việc này cần rất nhiều kiên nhẫn, tình yêu và kinh nghiệm từ giáo viên, để giúp hoàn thiện kiến thức và kỹ năng cho trẻ. Tất cả đều là những trải nghiệm có ích, giúp trẻ hứng thú và các kỹ năng sẽ hình thành một cách nhẹ nhàng, tự nhiên.

   Khi trẻ chơi đùa, chúng đang tìm tòi các cách thức để có thể làm được những điều mới mẻ. Cho dù đó là việc xếp các khối chồng lên nhau hay tập đi, việc chơi đùa cho phép trẻ em được học trong một môi trường an toàn. Khi chơi với các đồ vật khác nhau trẻ em sẽ khám phá ra những gì chúng quan tâm nhất. Đối với trẻ này có thể rất thích thú khi được chơi trong một hố cát ngoài trời, với trẻ khác nó có thể là việc đập các nắp nồi với nhau. Mỗi trẻ đều có niềm vui riêng của mình và giáo viên có thể giúp các trẻ phát triển kỹ năng hoặc sở thích của chúng cũng như với việc học đếm hoặc nhận biết về âm thanh.

   Có nhiều loại hình vui chơi khác nhau, nhưng tựu chung có thể kể đến “chơi tự do” và “chơi có tổ chức”. “Chơi tự do” là hình thức chơi đùa có giá trị nhất. Lối chơi này dựa trên những gì thu hút sự thích thú của trẻ tại từng thời điểm cụ thể và không lên kế hoạch trước. Các lợi ích chính của lối chơi này là nó cho phép trẻ em sử dụng trí tưởng tượng và chơi đùa ở nhịp độ ưa thích của mình.

   Các nhà khoa học nhiên cứu chứng minh rằng thời kỳ phát triển quan trọng nhất của con người là từ sơ sinh đến tám tuổi. Trong những năm này, phát triển kỹ năng nhận thức, tình cảm, năng lực xã hội và sức khỏe thể chất và tinh thần xây dựng một nền tảng vững chắc trong hành trang khôn lớn của con. Dù việc học diễn ra trong suốt cuộc đời, thời thơ ấu là khoảng thời gian mà việc học đang diễn ra với tốc độ vượt trội. Việc học thông qua các trò chơi, tuy vậy, không chỉ phù hợp với trẻ em mà còn trong mọi giai đoạn cuộc đời. Chơi là một trong những cách học hiệu quả. Ai cũng có thể chơi và trò chơi có thể diễn ra mọi lúc tại mọi nơi – trên đường phố, trên sân chơi, trong lớp học.

1. Chơi là chất xúc tác để trẻ khám phá về chính mình

   Chúng ta khám phá những khía cạnh khác nhau của mình thông qua những tình huống mới, những trải nghiệm mới, những mối quan hệ mới. Khi tham gia một trò chơi, trẻ em sẽ lần đầu tiên trở thành người ra quyết định (thay vì trong đời thường, bố mẹ sẽ ra quyết định cho con). Trò chơi là tuyệt đối an toàn để con trở thành người làm chủ, tự lựa chọn “số phận” nhân vật. Trẻ học cách chịu trách nhiệm cho mỗi lựa chọn của mình, từ đó hình thành niềm tin vào bản thân. Khi tham gia trò chơi cùng bé, bố mẹ cần cho con toàn quyền quyết định, như một cách để thể hiện sự công nhận và tôn trọng tự do cá nhân của bé.

2. Chơi là môi trường an toàn để con khám phá thế giới quanh em

   Trẻ con cảm nhận thế giới thông qua trải nghiệm. Thông qua các “va chạm”, những tình huống phát sinh, tương tác trong trò chơi, con thể hiện và mở rộng hiểu biết của mình.Chơi cho phép trẻ em truyền đạt ý tưởng, để hiểu người khác thông qua giao tiếp xã hội, từ đó hình thành các mối quan hệ sâu sắc.

   Ví dụ như trong thử thách “Hộp rối kể chuyện” của Hộp Tò Mò, các bé có cơ hội chạm tới bộ môn dân gian kịch rối thông qua việc đảm nhận các “vai trò” khác nhau từ đạo diễn, phục trang, sân khấu đến hóa thân thành người kể chuyện. Không có việc học nào sâu sắc bằng thực sự trải nghiệm.

 

3. Chơi là học thông qua thực hành

   Trẻ em học các kỹ năng quan trọng và phát triển trong lúc chơi. Khi chơi, trẻ con chẳng có mục đích gì cả. Con chẳng bao giờ nghĩ rằng “Con sẽ phải học được cái gì đó thông qua trò chơi này.” Tuy vậy, trò chơi tạo ra cơ hội học tập mạnh mẽ trên tất cả các lĩnh vực. Bằng cách chọn chơi với những điều con thích, trẻ em thực sự phát triển các kỹ năng trong nhiều lĩnh vực: trí tuệ, xã hội, tình cảm và thể chất.

   Trong khi chơi, trẻ bày tỏ ý tưởng, suy nghĩ và cảm xúc, học cách kiểm soát cảm xúc, tương tác với người khác, giải quyết xung đột và đạt được ý thức về năng lực. Chơi đặt nền tảng cho sự phát triển kiến ​​thức xã hội và cảm xúc quan trọng. Chơi dạy trẻ lãnh đạo cũng như các kỹ năng nhóm. Hơn nữa, chơi là một công cụ tự nhiên mà trẻ em có thể sử dụng để xây dựng khả năng phục hồi và kỹ năng đối phó, cũng như chinh phục nỗi sợ hãi.

4. Chơi rất vui

   Hãy quan sát một đứa trẻ chơi đùa, bạn sẽ thấy chúng như những thiên thần nhỏ. Chúng cười, nói, ánh mắt chúng lấp lánh. Chúng như lạc vào một thế giới của riêng, một thế giới thật bình yên. Người lớn chúng ta có thói quen đặt mục đích cho từng hoạt động cụ thể. Còn đối với trẻ con, chơi là để… vui thôi. Thế giới đối với chúng là một nơi để khám phá và sáng tạo, không phải để giáo dục chữ nghĩa khô khan.

   Hãy quan sát con khi con chơi, và khi bé học môn mà bé không thích. Đó dường như là hai con người khác nhau. Bố mẹ hãy quan sát con kỹ hơn để hiểu con, để biết điều gì làm trái tim con hân hoan, điều gì là không phù hợp với bé. Niềm vui chính là kim chỉ nam dẫn đường. Khi niềm vui có đó thì niềm đam mê có đó, hạt giống của tiềm năng có đó, cần được bố mẹ tắm tưới thêm.

   Vui chơi không chỉ dành cho trẻ con. Mọi người lớn cũng cần chơi đùa. Vì chỉ trong trạng thái thư giãn, trống rỗng, không mục đích, sáng tạo mới nở hoa.

Chúc bố mẹ và các bé có nhiều niềm vui!